Nguyên nhân sạc dự phòng phát nổ trên máy bay
Bàn về pin dự phòng cá nhân phát nổ trên hành lý xách tay tàu bay khách.
Định nghĩa sạc dự phòng (Power bank)
Pin dự phòng power bank được thiết kế để có thể sạc các thiết bị tiêu dùng như điện thoại di động, máy tính bảng, thuốc lá điện tử, máy chạy điện cầm tay…
Pin dự phòng có được mang trong hành lý ký gửi không?
Nếu là khối pin riêng lẻ thì pin bị cấm gửi trong hành lý ký gửi tàu bay chở khách, còn nếu pin ở trong máy tính xách tay hoặc thiết bị khác thì được phép ký gửi, với điều kiện thiết bị đã tắt (không ở chế độ ngủ)
Pin dự phòng (tách riêng) có được mang lên tàu bay hành khách không?
Pin dự phòng được phép mang lên khoang hành lý xách tay đối với tàu bay khách, với điều kiện đầu tiên quan trọng nhất là pin có đủ giấy tờ UN38.3; ngoài ra công suất <160Wh. Mỗi hành khách được phép mang tối đa 2 pin dự phòng (tức 320Wh). Pin dạng này thuộc hiệu chỉnh của quy tắc UN3480, PI 965.
Nếu đã hết định mức trên hành lý cá nhân, bạn cần gửi các pin dự phòng tách rời này dưới dạng chuyển phát nhanh hoặc thư tín trên tàu bay hàng hóa như sau:
- bộ sạc dự phòng có định mức công suất < 100 Wh thì tuân theo đóng gói Mục IB của PI 965
- bộ sạc dự phòng có định mức công suất > 100 Wh thì tuân theo đóng gói Mục IA của PI 965
Tất cả các pin vận chuyển rời này cần tuân thủ luật giới hạn trạng thái sạc SOC < 30%.
Nếu dùng pin li-ion NMC, (Bạn hãy kiểm tra nhãn mác bộ pin của bạn sẽ thấy thông tin về loại pin), bạn hãy sạc cho tới khi điện áp mạch hở OCV đo được là 3.7V/cell khi nghỉ, chính là lúc li-ion đạt được trạng thái sạc 30%. Các bộ sạc “xịn” hoặc “hiện đại” ngày nay có chức năng sạc ở chế độ máy bay “Airship”.
Trách nhiệm pháp lý của người mang pin dự phòng
Việc hiểu loại hóa chất pin, công suất pin và trạng thái sạc khi mang theo lên tàu bay khách thuộc phạm vi trách nhiệm của người mang hành lý. Vì vậy bạn sẽ thấy hãng hàng không không kiểm tra công suất hoặc giấy tờ pin thường xuyên đối với các pin nhỏ vốn được coi là “ít nguy hiểm” này. Tuy nhiên, mọi nghĩa vụ pháp lý nếu có sự cố sẽ thuộc về người mang hành lý lên chuyến bay. Nếu không rõ, bạn nên kiểm tra thông tin kỹ càng với nhân viên của hãng hàng không.
Tại sao pin sạc dự phòng cần có chứng chỉ UN38.3 mới được cho phép mang lên tàu bay?
Tất cả các loại cell pin và pin lithium phải vượt qua 8 bài kiểm tra theo công ước của Liên Hợp Quốc. Các bài test này bao gồm việc pin được đặt trong trạng thái áp suất giảm tương đương 50,000 ft (15,200 m) trong 6 giờ, bài kiểm tra nhiệt (pin được đặt trong môi trường 72°C và -40°C trong suốt 6 tiếng, lặp lại bài kiểm tra 10 lần liên tiếp). Ngoài ra chúng được trải qua bài kiểm tra rung lắc cơ học, chịu sốc, ngắn mạch và va đập. Những bài kiểm tra này nhằm đảm bảo pin sẽ vượt qua được các thử thách khi vận chuyển trong môi trường thực tế. Các hãng sản xuất pin (cell pin và khối pin) đều phải có hệ thống kiểm tra chất lượng để pin thành phẩm được thiết kế và vận hành đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như vượt qua các bài kiểm tra trước khi bán ra thị trường. Các kết quả test cần được sao lưu và đệ trình cho cơ quan chức năng khi cần thiết.
Nguyên nhân sạc dự phòng phát nổ trên tàu bay khách
Như vậy, các bạn sẽ thấy khi mang theo pin dự phòng, mặc dù rất nhỏ (dưới 160Wh) trong hành lý xách tay, và các hãng hàng không cũng cho rằng các pin này không có nguy cơ quá lớn. IATA cũng không áp lệnh giới hạn trạng thái sạc SOC <30% đối với loại pin này đã tạo ra các kẽ hở và nhiều vụ “hú vía”, ví như gần đây Hành khách tháo chạy khỏi tàu bay khi “một túi pin sạc” phát nổ trong cabin ở sân bay London. Chúng tôi cho rằng trong thời gian tới IATA cũng sẽ ban hành luật mới hiệu chỉnh sát sao loại sạc dự phòng “nhỏ” này.
Các nguyên nhân như sau:
- Pin trôi nổi trên thị trường và không có chứng chỉ UN38.3 và ngoài ra, pin dự phòng đã cũ, chất lượng thấp, …
- Người dùng sạc đầy pin dự phòng. Pin dự phòng, theo đúng nghĩa, người dùng mong muốn sạc đầy để dự phòng, đó là lý do mà IATA không áp chuẩn sạc 30% lên các thiết bị này. Tuy nhiên, lithium là hóa chất vô cùng nhạy cảm với các loại stress như rung lắc cơ học, áp suất thay đổi, nhiệt độ và đặc biệt, trạng thái sạc no gây căng thẳng cho li-ion nhiều nhất. Xem thêm mục 1.2 Trạng thái sạc SOC và sự căng thẳng của li-ion. Trên tàu bay với sự thay đổi về áp suất rõ ràng và nhiệt độ, kết hợp trạng thái SOC 100% tạo nên một môi trường rủi ro tiềm ẩn cho pin li-ion phát nổ.
- Yếu tố đóng gói không đúng cách: Ngoài ra không loại trừ các yếu tố khác như pin vô tình tiếp xúc với kim loại như chìa khóa, đồng xu… trong túi của khách và gây hiện tượng ngắn mạch. Xem thêm: mục 1 Pin li-ion cháy trong quần jean
Vì vậy, mặc dù IATA không áp lệnh giới hạn sạc SOC trạng thái sạc <30% đối với pin sạc dự phòng tiêu dùng trên tàu bay khách, chúng tôi khuyến nghị không nên sạc no loại pin này. Bạn cũng nên mua pin có đầy đủ chứng chỉ quốc tế, tránh các loại sạc công suất cao, tự đóng tràn lan trên thị trường. Đóng gói pin trong túi nhựa và không để lẫn pin với kim loại hoặc đựng trong hộp kim loại, để tránh xảy ra các rủi ro đáng tiếc.
Chúc bạn luôn an toàn khi sử dụng pin.
FAQs.
- Sạc dự phòng 30000mah có được mang lên máy bay không?
30.000mAh (hoặc 30Ah) là dung lượng danh định của pin, bạn cần tính ra công suất của pin. Cách tính như sau: Công suất Wh= Dung lượng (Ah) x Điện áp (V). Hầu hết sac dự phòng sử dụng cell pin lithium-ion NCM có áp danh định là 3.7V. Vì vậy, với sạc dự phòng 30Ah thì công suất là 30Ah x 3.7 = 111Wh. Thông số này nếu bạn không tự tính được, vui lòng xin datasheet từ hãng, thông số này sẽ được cung cấp luôn trong Tài liệu kỹ thuật của thiết bị.
Giới hạn công suất pin dự phòng thay đổi tùy tàu bay, bạn nên check kỹ. Thông thường, Vietjet cho phép từ 100-160W mỗi pin, tối đa 02 pin. Vì vậy đối với tàu bay vietjet, sạc dự phòng 30000mAh là được phép mang lên bạn nhé!
Tuy nhiên, vì lý do an toàn, hầu hết các hãng bay giới hạn công suất <20,000mAh tức khoảng 100Wh.
2. Được mang bao nhiêu cục sạc dự phòng lên máy bay?
Đối với khách cá nhân trên tàu bay khách, mỗi khách được mang tối đa 2 pin sạc dự phòng, không quá 320Wh.
3. Tại sao pin sạc dự phòng được phép mang trong hành lý ký xách tay mà không được cho vào hành lý ký gửi?
Đám cháy lithium trong khoang cabin tàu bay là nơi các tiếp viên được đào tạo có thể tiếp cận dập lửa hiệu quả, do pin được mang lên tàu bay là loại pin nhỏ bị giới hạn công suất. Còn nếu để trong hành lý ký gửi, đám cháy có thể bùng phát cháy lan sang các khay hàng khác vượt ngoài tầm kiểm soát, trở nên đặc biệt nguy hiểm.
Ngày nay với sự tiện lợi và có mặt khắp nơi của lithium-ion trong các thiết bị cầm tay, việc cấm hoàn toàn loại hàng hóa nguy hiểm này thực sự là điều khó khăn đối với các hãng bay.
4. Pin sạc dự phòng không sử dụng có phát nổ trong máy bay được không?
Câu trả lời là có, mặc dù tỳ lệ cháy nổ của pin lithium rất nhỏ, nhưng không thể loại trừ trường hợp pin gặp vấn đề do từng bị sử dụng không đúng cách, va chạm cơ học, hoặc pin bị stress đặc biệt trong môi trường nhạy cảm như áp cao trong tàu bay. Xem thêm: Nguyên nhân cháy nổ pin li-ion.