10 điều cần tránh khi sử dụng pin lithium-ion

Pin sạc lithium-ion là một loại pin sạc rất phổ biến, bạn có thể tìm thấy chúng trong máy tính xách tay, điện thoại, thiết bị làm vườn, dụng cụ thể thao, trạm lưu trữ năng lượng, và gần đây nhất là xe điện. Tuy nhiên loại pin này chỉ hoạt động trong khoảng điện áp nhất định tùy theo hóa chất pin (Loại pin li-ion phổ biến nhất là loại NCM có khoảng điện áp từ 3.0V tới 4.2V). Ngoài ra, chúng có một số “tính cách” đặc trưng mà bạn nên biết để sử dụng pin an toàn, và kéo dài tuổi thọ pin. Trong bài viết này, chúng tôi tóm tắt những điều nên tránh trong thực hành sử dụng pin sạc li-ion của người dùng

Sạc đầy 100% và sạc qua đêm

Sạc đầy 100% làm pin lithium ion bị stress vô cùng. Đặc biệt khi môi trường xung quanh có nhiệt độ cao, chúng bị già đi nhanh chóng. Nếu đã sạc tới 100%, bạn hãy dùng (xả) 1 chút để pin bớt no nhé!

Ngoài ra, một điểm khác biệt giữa li-ion và ắc quy axit chì là chúng không thích sạc bão hòa (Saturation charge). Sạc cần phải ngắt khỏi pin sau khi đầy, mặc dù bộ sạc pin li-ion có chức năng ngắt sạc tự động, nhưng mọi thiết bị điện tử đều có thể thất bại nên tốt nhất bạn hãy chủ động rút sạc khi pin đầy. Điều này là vô cùng quan trọng và khác hoàn toàn so với tập tính của người dùng là sạc qua đêm đối với các loại pin đời cũ (pin Niken hoặc ắc quy chì axit).

Thực tế đối với các loại li-ion thông dụng như NCM, NCA, nhà sản xuất khuyến cáo bạn nên để pin hoạt động trong khoảng sạc SOC từ 20-80% để kéo dài tuổi thọ.

Xả cạn

Bạn không nên dùng hết sạch pin, tệ hơn nữa là tập quán dùng hết sạch rồi bỏ quên nhiều ngày không sạc lại.

Khi bị xả cạn, điện áp cell pin có thể rơi xuống tới ngưỡng pin lithium “đi ngủ” – hiện tượng này xảy ra khi bạn lôi pin ra sạc và pin không nhận sạc nữa.

Tiếp đó là việc bỏ quên rất lâu ngày không sờ tới, pin có thể rơi xuống dưới 1.5V/ Cell. Việc kích sạc lại các khối pin này dễ xảy ra cháy nổ do các nhánh hình cây gọi là dendrite đã hình thành bên trong pin, gây chập cháy.

Hoạt động dưới mặt trời gay gắt và nguồn nhiệt

Pin li-ion rất không ưa trời quá nóng hoặc quá lạnh, do nhiệt độ cực đoan làm pin “già” nhanh hơn bình thường. Nếu sau khi sử dụng pin vẫn còn nóng, bạn hay đợi cho nguội rồi mới sạc nhé. Nhiệt độ tốt để sạc là 25-30°C. Vui lòng không sạc khi pin nóng hơn 40°C.

Cố gắng sạc / kích lại pin đã không nhận sạc

Pin không nhận sạc là trường hợp pin kích hoạt chế độ ngủ vì đã bị bỏ quên nhiều ngày, điện áp <1.5V/ cell. Việc sạc lại là rất nguy hiểm, nếu vẫn kiên quyết sạc lại, bạn hãy mang ra ngoài trời, xa khu dân cư để đề phòng rủi ro cháy nổ.

Ngâm pin trong nước

Hầu hết các hãng sản xuất sẽ từ chối bảo hành hoặc sửa chữa nếu pin dính nước. Lý do là pin này đã thay đổi cấu trúc hóa học, dễ chập cháy nếu cố tình kích lại.

Chọc thủng bằng vật kim loại.

Đây là một lỗi rất vô tình của người dùng. Ví dụ, nhiều người cho pin sạc dự phòng vào ba lô, hoặc cho thuốc lá điện tử vào túi quần jeans, ngăn kéo…, và đôi khi chúng bị bị vật kim loại khác đâm vào. (Ví dụ như chìa khóa). Lúc này pin bị chập điện và lịch sử ghi nhận rất nhiều vụ Pin lithium đột nhiên cháy trong ba lô. 

A li-ion battery has cracks on the outer casing due to it was punctured by a metal piece

Pin xe điện bị vật nhọn đâm vào làm pin có biểu hiện bất thường

 

a jeans was burnt due to users storing vape battery together with metals in the pocketCháy pin thuốc lá điện tử trong túi quần jeans do chúng tiếp xúc với một đồng xu

Sử dụng sạc không phù hợp với hóa chất pin. 

Bạn nhớ là sạc pin phải phù hợp hóa chất (pin sắt LFP có sạc riêng, pin li-ion dùng sạc li-ion…). Tuyệt đối không dùng sạc ắc quy axit chì để sạc li-ion.

Điện áp và dòng sạc phải tuân thủ theo nhãn pin. Thông thường, trên nhãn pin bạn có thể tìm được các thông số về sạc luôn, nhưng đôi khi trên nhãn chỉ ghi điện áp và dung lượng danh định. Khi đó, bạn có thể tính toán dòng sạc cho pin bằng công thức:

0.3 x dung lượng danh định = dòng điện sạc. (0.3 ở đây là hệ số sạc C)

Ví dụ: pin NCM 36V 5Ah, bạn sẽ cần sạc 42V với dòng sạc 0,3 x 5 = 1.5A.

Lưu ý: theo quy ước đọc thông thường, điện áp của bộ sạc được gọi theo điện áp tối đa của nguồn điện, không phải điện áp danh định. Nếu không biết chắc chắn về điều này, hãy kiểm tra lại với nhà sản xuất bạn nhé.

Ngoài ra, với các pin lithium-ion tiêu dùng hoặc khi nhãn pin không có thông tin về sạc nhanh, bạn tuyệt đối không nên sạc nhanh (sạc với hệ số C >1). Sạc nhanh là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bỗng nhiên cháy nổ ở pin lithium-ion.

Bạn có thể đọc thêm  Sạc nhanh pin li-ion có hại không

Bảo quản pin trong hộp kim loại.

Đây cũng là một lỗi phổ biến vô tình mà nhiều người dùng mắc phải. Bạn hãy bọc chúng bằng túi ni-lông cách điện, tốt hơn là hãy dán nhãn mác cụ thể cho túi đó.

Bảo quản pin ở mức sạc cao (SOC) trong thời tiết nóng/ẩm trong hơn 6 tháng.

Khi có ý định không sử dụng pin trong thời gian dài, bạn hãy tháo chúng khỏi thiết bị, sạc tới tầm 30% và bảo quản ở nơi khô ráo mát mẻ tầm 25°C.

Làm rơi/làm hỏng pin về mặt vật lý.

Pin bị bóp méo biến dạng sẽ làm hỏng cấu trúc vốn có, chắc chắn có lỗi khi hoạt động, đôi khi kéo theo rủi ro cháy nổ khi sử dụng. Vì vậy, đặc biệt với pin xe điện bạn bên có biện pháp chống rung lắc bằng dây thít, và lót cho phù hợp.

 

 

 

Để lại một bình luận